Vào những ngày đầu của tháng 11, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng lên mốc mới: 653 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tháng trước đó. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan là 561 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng đạt mức 638 USD/tấn, trong khi của Thái Lan là 521 USD/tấn.
Với mức giá gạo xuất khẩu cao như hiện nay, 10 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 3,97 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trao đổi với các phong viên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, có được kết quả này là nhờ sức nóng của thị trường lúa gạo thế giới, đồng thời là kết quả của quá trình chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

“Trước tín hiệu thị trường, trước tình hình giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khá cao, 9 tháng năm 2023 đạt bình quân 553 USD/tấn, cao hơn bình quân của Thái Lan, Ấn Độ, Bộ NNPTNT đã linh hoạt trong việc tổ chức vụ lúa hè thu, thu đông, chủ động tăng diện tích lúa thu đông ở những nơi đủ điều kiện canh tác. Cộng với việc chúng ta có số lượng giống lúa năng suất, chất lượng cao chiếm tới 85 – 90% đã tạo cơ sở cho việc chỉ đạo sản xuất, tạo ra sản lượng lúa gạo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, ngoài việc dành cho tiêu thụ nội địa, chế biến, dự trữ, Việt Nam có thể đảm bảo xuất khẩu 7,5 – 8 triệu tấn gạo, khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường lúa gạo toàn cầu cũng như việc đảm bảo an ninh lương thực. “Với đà này, năm 2023 Việt Nam có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo”, Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.
Trong khi đó, Theo Cục Thống kê Indonesia, sản lượng gạo của nước này dự kiến sẽ giảm 2% xuống còn 30,9 triệu tấn vào năm 2023 do thời tiết cực kỳ khô hạn. Đây là kết quả của tình trạng hạn hán kéo dài gây ra bởi hiện tượng El Nino, làm ảnh hưởng đến việc trồng và thu hoạch gạo ở nhiều khu vực. Diện tích thu hoạch lúa ước tính giảm còn 10,2 triệu ha so với 10,45 triệu ha một năm trước.
Indonesia đặt mục tiêu tăng sản lượng gạo lên 35 triệu tấn vào năm 2024 bằng cách nâng cao năng suất lúa từ 5,2 tấn/ha lên 5,4 tấn, 5,5 tấn hoặc thậm chí 5,7 tấn/ha. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và các cơ quan liên quan tại Indonesia sẽ thực hiện các biện pháp từ tháng 11/2023 đến tháng 3/2024, bao gồm cung ứng hạt giống, phân bón, tưới tiêu, kiểm soát sâu bệnh và hỗ trợ từ lực lượng khuyến nông.
Quyết định tăng cường nhập khẩu gạo của Indonesia đã có tác động đến nhiều quốc gia khác như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Pakistan. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Philippines đã loại bỏ khả năng áp dụng lại trần giá gạo trong thời gian tới để giải quyết tình hình giá gạo đang tăng. Ấn Độ cũng đã quyết định giảm giá sàn xuất khẩu gạo basmati xuống còn 950 USD/tấn, sau khi đã áp đặt mức giá sàn 1.200 USD/tấn từ tháng 8/2023 để duy trì giá gạo trong thị trường nội địa. Tất cả những biến động này đang ảnh hưởng đến thị trường gạo trên toàn thế giới.

Gọi ngay Chat Facebook Chat Zalo Gửi Email