Vàng lá, thối rễ là một trong những loại bệnh gây hại nghiêm trọng nhất trên các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi… Đặc biệt là vào mùa mưa, cây trồng bị bệnh khiến cả rễ non và rễ lớn đều thối nâu, cành lá không được cung cấp dinh dưỡng nên chuyển màu vàng. Nếu bệnh lây lan nghiêm trọng, thì vườn canh tác có thể có đến hơn 50% diện tích cây bị vàng lá thối rễ, dẫn đến cây chết khô và phải chặt bỏ. Đây là loại bệnh hại với cây trồng có khả năng lan rộng và gây thiệt hại lớn về kinh tế nên bà con nông dân cần hiểu rõ về bệnh này để có biện pháp chăm sóc, phòng ngừa hợp lý.

 

VÀNG LÁ, THỐI RỄ LÀ BỆNH GÌ?

Hiện tượng vàng lá trên cây có múi ngoài bệnh vàng lá Greening do virus gây ra thường rất khó điều trị, phần vàng lá còn lại có thể chia ra thành 2 nhóm bệnh:

  • Nhóm vàng lá do bệnh lý tạo ra, tức là do nấm, vi khuẩn hay tuyến trùng gây nên.
  • Nhóm vàng lá do hiện tượng sinh lý tạo nên như thừa hay thiếu chất dinh dưỡng mà có, ví dụ do thừa sắt, nhôm, mangan, hay chất độc như H2S, CH4, hoặc axit hữu cơ gây ra.

 

Các loại cây có múi rất cần nước nhưng lại không chống chọi được khi bị ngập úng. Vì khi ngập úng, bộ rễ bị yếm khí, chỉ cần sau một thời gian ngắn là rễ bị hại, bị đen, thối, mất chức năng hút thức ăn và nước cung cấp cho cây, từ đó cây trở nên thiếu chất, khiến lá bị vàng, dần dần sẽ làm cây yếu ớt rồi chết.

 

Bên cạnh đó, khi rễ bị hại thì nhiều loại nấm rễ sẽ có điều kiện tấn công làm cây bị yếu nhanh hơn. Rễ bị thối rữa cũng tạo ra các chất độc trở lại gây hại cho bộ rễ, làm cho tốc độ bị vàng lá nhanh hơn, mà ta tưởng vàng lá do vi khuẩn hay nấm gây ra, bà con tập trung phun thuốc nhưng cây vẫn không phục hồi được.

 

TÁC NHÂN GÂY BỆNH VÀNG LÁ, THỐI RỄ

Bệnh vàng lá thối rễ do nhiều tác nhân gây ra, gồm các loài nấm: Fusarium, Phytophthora và tuyến trùng. Trong đó, tác nhân chính là nấm Fusarium solani và có sự tương tác giữa nấm F. solani với tuyến trùng.

 

Tuyến trùng tấn công làm rễ tổn thương sau đó nấm Fusarium mới tấn công vào. Ngoài ra có thể do nấm Phytophthora tấn công rễ trước tạo nên vết thối sau đó nấm Fusarium tấn công vào sau và lan truyền rất nhanh.

 

NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU KIỆN PHÁT SINH BỆNH

Nếu muốn chữa trị có hiệu quả, cần biết được nguyên nhân cụ thể gây nên loại bệnh hại này. 

  • Bệnh vàng lá thối rễ thường xuất hiện nhiều trong mùa mưa, ở những vùng đất bị ngập nước, thoát nước kém.
  • Bệnh phát triển mạnh trên những vùng đất có pH thấp. Trong mùa nắng cây bị thiếu nước.
  • Ở những vùng đất có tuyến trùng thì bệnh càng trầm trọng hơn.
  • Vườn lạm dụng phân hóa học, ít dùng phân hữu cơ, không bón vôi cho đất cũng là điều kiện giúp bệnh phát triển và gây hại nặng.

 

NHẬN BIẾT TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH

Biểu hiện bệnh hoàn toàn có thể phát hiện bằng mắt thường. Ban đầu, triệu chứng đầu tiên là lá chuyển màu vàng nhạt, phiến lá ngả màu vàng cam và dễ rụng khi bị lay nhẹ. Các lá già rụng trước sau đó đến các lá trên.

Lúc đầu chỉ có vài nhánh biểu hiện lá vàng, cây vẫn sống nhưng ở phần rễ cây thì bị thối, từ rễ nhỏ lan dần vào trong rễ lớn, vỏ rễ tuột khỏi phần gỗ, bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ cái. Khi bệnh nặng, tất cả các rễ đều bị thối và cây chết.

Ngoài ra, chúng ta cần nhận biết triệu chứng của bệnh trên cả phần lá và rễ của cây trồng:

  1. Nhận biết trên lá: Lá bị vàng cả phiến lá và gân lá, dễ rụng khi bị lay nhẹ, ban đầu lá già sẽ rụng trước sau đó đến các lá phía trên, lúc đầu có thể vàng một vài nhánh sau đó lan sang toàn cây.
  2. Nhận biết trên rễ: Những cành nào có biểu hiện vàng lá khi kiểm tra rễ của cành đó sẽ gặp những hiện tượng như:
  • Bộ rễ bị thối từ rễ nhỏ lan dần vào trong rễ lớn.
  • Rễ bị thối có màu nâu vỏ rễ tuột ra khỏi phần gỗ, bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ cái.
  • Rễ mất khả năng hấp thu dinh dưỡng nuôi cây, từ đó làm cành bị chết khô. Khi cây bị bệnh nặng, tất cả rễ đều bị thối đen, cuối cùng là chết khô toàn cây.

 

CÁCH CHỮA TRỊ VÀ PHÒNG TRỪ BỆNH

Đối với bệnh vàng lá thối rễ nên áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp. Và người nông dân cần chú ý rằng các biện pháp phòng bệnh bao giờ cũng sẽ mang lại hiệu quả hơn các biện pháp trừ bệnh. Một số biện pháp phòng bệnh cơ bản như sau:

  • Chọn cây giống sạch bệnh. Đất vườn trồng phải có hệ thống, rãnh thoát nước tốt.
  • Trồng cây nơi đất cao thoát nước tốt, nếu vùng đất thấp phải làm bờ bao.
  • Tỉa cành, tạo hình cho cây ngay khi cây còn nhỏ, thường xuyên cắt tỉa, loại bỏ những cành già yếu, sâu bệnh. Khi cây chớm bệnh cắt bỏ rễ bị bệnh (bôi thuốc vào vết cắt để hạn chế bệnh lây lan) giúp cây nhanh phục hồi trở lại.
  • Sớm loại bỏ những cây bệnh nặng, không có khả năng phục hồi, tiến hành xử lý đất trước khi trồng cây mới.
  • Nên rải vôi trước khi trồng, tưới thuốc gốc đồng để loại trừ mầm bệnh có trong đất. Hàng năm nên cung cấp thêm vôi xung quanh gốc, quét vôi vào gốc cây trên 50cm vào cuối mùa nắng.
  • Dùng kết hợp nấm đối kháng Trichoderma ủ phân chuồng hoại mục bón hàng năm nhằm tạo tơi xốp cho đất, hạn chế bệnh sẽ hiệu quả hơn.
  • Xới nhẹ xung quanh gốc và tưới thuốc trừ bệnh khi cây chớm bệnh kết hợp với thuốc trừ tuyến trùng.
  • Bón thêm phân kali, lân làm tăng khả năng đề kháng của rễ cây đối với bệnh.

 

CÁC BƯỚC XỬ LÝ ĐỐI VỚI CÂY BỊ BỆNH

  • Kiểm tra mức độ bệnh: Bằng cách đào rễ lên kiểm tra xem mức độ thối đến rễ cấp mấy.
  • Đo pH và điều chỉnh pH về ngưỡng hợp lý 5,5 – 6,5 là phù hợp (Sử dụng vôi bột và một số chất điều chỉnh pH. Giai đoạn đeo quả cần điều chỉnh từ từ tránh sốc làm cây rụng trái).
  • Cách xử lý chữa bệnh vàng lá thối rễ: Sử dụng thuốc trị nấm Ketomium cùng AT amino Humic (có thể thêm AT Padave nếu cần trị tuyến trùng) rồi phun đều và đẫm quanh gốc (nếu có thể phun cả trên cây để trị nấm trên cây). Xử lý 2 -3 lần liên tiếp cách 10 – 15 ngày/lần. Sau 1 tháng kiểm tra rễ nếu rễ mới ra dài và không có hiện tượng thối lại, lộc mới ra xanh khỏe thì chuyển sang giai đoạn phòng.
  • Cách phòng bệnh vàng lá thối rễ định kỳ: Sử dụng thuốc trị nấm Ketomium với AT amino Humic (và thêm AT Padave nếu cần trị tuyến trùng) rồi phun đều và đẫm quanh gốc (nếu có thể phun cả trên cây để trị nấm trên cây). Xử lý định kỳ 45 – 60 ngày/lần đặc biệt vào mùa mưa và khi có độ ẩm cao.

 

Bệnh vàng lá, thối rễ ở nhóm cây cho quả có múi thường rất khó chữa trị nên cần lưu ý theo dõi vườn thường xuyên và phun thuốc phòng ngừa bệnh sớm cho cây trồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay Chat Facebook Chat Zalo Gửi Email