Thực trạng hiện nay cho thấy, đang có rất nhiều diện tích đất trồng cây ăn trái trên cả nước bị thoái hóa vì nhiều lý do từ ngoại cảnh như thiên tai, hay do con người thâm canh, lạm dụng phân bón hóa học… khiến môi trường đất mất cân bằng dinh dưỡng. Đất thoái hóa làm sinh sôi nhiều dịch bệnh hại cho cây trồng như bệnh vàng lá thối rễ, tuyến trùng và một số bệnh do nấm bệnh trong đất gây ra ngày một gia tăng. Vậy nên, việc quan trọng hàng đầu trong giai đoạn đổi mới để có được một nền nông nghiệp phát triển bền vững chính là việc cải tạo đất trồng.

 

Nếu bà con có biết vận dụng quy trình cải tạo đất đúng cách và an toàn sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng chống bệnh tật cho cây trồng để đạt được năng suất tốt nhất. 

 

Bên cạnh việc ứng dụng các phương pháp cổ truyền như cày xới đất, bón vôi… thì bà con có thể áp dụng chế phẩm sinh học như nấm Trichoderma với các chất cải tạo đất từ phụ phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp như phân chuồng, phân xanh, rơm rạ… để cải tạo đất trồng. Ưu điểm vượt trội của việc áp dụng chế phẩm sinh học trong cải tạo đất trồng chính là hiệu quả nhanh và không gây hại cho cây trồng, môi trường, người sản xuất và người tiêu dùng.

 

SỬ DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC CÓ TÁC DỤNG NHƯ THẾ NÀO?

Chất cải tạo đất trong sản xuất nông nghiệp là các sản phẩm sẵn có trong tự nhiên hoặc được chế biến nhằm mục đích cải tạo một số tính chất mà con người bổ sung vào đất với mục tiêu làm thay đổi tính chất của đất theo chiều hướng tốt lên cho canh tác.

  • Làm tính chất của đất trở nên: mềm, tơi xốp, tăng khả năng giữ nước và khả năng thoát nước, tạo điều kiện tốt nhất cho rễ cây phát triển. 
  • Đất bảo vệ được cổ rễ và rễ cây trước sự xâm hại của các loại nấm bệnh; đất tăng độ mùn, giữ chất dinh dưỡng. 
  • Chất cải tạo đất cải thiện được tính chất sinh học của đất trồng, tăng chủng loại vi sinh vật có ích, nâng cao sức sống rễ cây, hạn chế mầm bệnh hại có trong đất. 

Ngoài ra, chế phẩm sinh học còn bổ sung thêm men cho việc sản xuất phân hữu cơ. Và loại phân bón được ủ theo phương pháp trên có thể sử dụng để thay thế cho 20 – 30 % lượng phân hóa học hàng năm mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và đạt hiệu quả lâu dài trong việc cải tạo và giữ gìn chất đất trong nông nghiệp.

 

SẢN XUẤT PHÂN HỮU CƠ VỚI NẤM TRICHODERMA

Nếu như trước đây, người nông dân chỉ dùng phân bón hữu cơ truyền thống như phân chuồng, phân xanh, phân rác… bón cho cây thì hiện nay, với chế phẩm Trichoderma, bà con có thể tận dụng tất cả các xác bã như lá, cỏ, xơ dừa, vỏ cà phê, trấu, mùn cưa… để ủ thành phân bón hữu cơ vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa chứa nấm đối kháng Trichoderma giúp cây trồng kháng lại mầm bệnh mà vẫn rút ngắn được quá trình cải tạo đất.

 

Đối với nhóm phân này trước khi đưa vào sử dụng bón cải tạo đất cần phải chế biến (ủ phân) cho hoại mục. Phân chuồng tươi, chưa ủ hoại mục khi đó phân chứa các dưỡng chất khó tiêu cây trồng khó hấp thu, ngoài ra còn gây ô nhiễm môi trường, trong quá trình phân hủy các chất sẽ sản sinh ra một số chất gây độc cho rễ (hiện tượng ngộ độc hữu cơ) và trong phân chuồng tươi, phân chưa ủ hoại mục tồn tại nhiều dạng nấm bệnh, hạt cỏ dại gây hại cho cây trồng, các vi khuẩn thổ tả, ký sinh trùng, trứng giun, trứng sán… gây bệnh cho con người.

 

Do đó, quá trình ủ hoại mục sẽ tiêu diệt các mầm mống bệnh hại, hạt cỏ dại tồn tại trong phân, thúc đẩy nhanh các quá trình khoáng hóa, phân giải những chất khó hấp thu để cây trồng dễ hấp thu hơn và hấp thu nhanh hơn. 

 

QUY TRÌNH Ủ PHÂN VỚI TRICHODERMA

  1. Nguyên liệu:
  • Phân chuồng (Trâu,  Bò, Lợn, Gà, Dê…); Phân xanh
  • Xơ dừa, vỏ cà phê, vỏ trấu, vỏ đậu, rơm rạ, bèo, lục bình
  • Nấm Trichoderma
  • Super Lân
  1. Cách ủ phân:
  • Trộn đều 4 loại nguyên liệu đã nêu ở trên. Sau đó tưới nước đến khi độ ẩm của đống ủ thành phẩm lớn hơn 60%. (Để biết đống ủ đạt độ ẩm tiêu chuẩn hay không có thể nắm chặt 1 nắm nguyên liệu. Thấy nước gỉ ra ở kẽ các ngón tay là đạt). Sau đó dùng bạt phủ kín để bảo quản che nắng, mưa.
  • Sau 4 – 6 ngày, nhiệt độ trong đống phân có thể lên đến 70°C, các loài vi sinh vật phân giải chất hữu cơ phát triển nhanh và mạnh làm ức chế sự nảy mầm của hạt cỏ cũng như tiêu diệt các loại vi sinh vật có hại trong phân chuồng.
  • Sau 15 – 20 ngày sau tiến hành đảo trộn từ trên xuống, từ ngoài vào trong cho đều, táp thành đống ủ tiếp khoảng 10 – 20 ngày nữa là có thể sử dụng tốt cho cây ăn trái, cây công nghiệp, các loại rau màu…

 

TÌM HIỂU THÊM VỀ NẤM TRICHODERMA

Trichoderma là nhóm những loài nấm sợi sống hoại sinh, chúng tăng trưởng nhanh và phân bố rộng khắp trên thế giới. Chúng có mặt trong hầu hết các loại đất và thường chiếm ưu thế trong quần thể vi sinh vật đất. Trichoderma có khả năng sử dụng nhiều nguồn chất dinh dưỡng khác nhau và có thể phát triển trong một giới hạn rộng về nhiệt độ và pH. Chính nhờ những đặc điểm này mà người ta đã ứng dụng Trichoderma để ủ hoại phân chuồng.

 

Công dụng của Trichoderma:

  • Một loại nấm đối kháng, có khả năng kiểm soát các loại nấm bệnh khác.
  • Diệt được nhiều loại nấm gây thối rễ, hư rễ như Pythium, Rhizoctonia và Fusarium…
  • Cố định đạm trong đất, phân giải lân.
  • Phân hủy các chất chuyển hóa thành chất mà cây có thể hấp thụ được.
  • Trong quá trình ủ phân chuồng, việc sử dụng nấm Trichoderma giúp giảm mùi hôi, phân giải nhanh.
  • Trong những điều kiện thích hợp về độ ẩm và nhiệt độ, thời gian hoại mục của phân chuồng sẽ rút ngắn xuống còn từ 4 – 6 tuần. 

 

Bà con có thể tham khảo hai loại chế phẩm sinh học Trichoderma mà Viện Di truyền Nông nghiệp hiện đang cung cấp là: 

  • TRICHODERMA AT ủ phân trộn với các loại phân để rải gốc với công dụng: Tăng cường hệ vi sinh có lợi giúp cải tạo đất, đặc biệt hiệu quả trong việc phục hồi đất do bị thoái hóa sử dụng phân hóa học lâu năm.
  • AT TRICHODERMA để xử lý rơm rạ với công dụng: Phân hủy gốc rạ, rơm nhanh tại ruộng; Hạ phèn bung rễ – ra rễ nhanh; Mở lá, cứng cây; Tăng năng suất, giảm phân bón hóa học; Tăng cường vi sinh vật có lợi giúp phòng các bệnh như: Đạo ôn, khô vằn, bạc lá và đốm sọc vi khuẩn… 

 

LƯU Ý KHI Ủ PHÂN CẢI TẠO ĐẤT

Bà con cần chú ý không dùng vôi khi ủ phân, vì vôi làm huỷ diệt các vi sinh vật trong phân, nên bón ngoài ruộng trước khi làm đất là tốt nhất. Vì phân hữu cơ truyền thống được sử dụng chủ yếu để bón lót khi làm đất, trước khi trồng. Cách bón là bón theo hàng, theo hốc, theo hố hoặc bón rải trên mặt đất rồi cày vùi xuống. Lượng phân bón tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng nhiều hay ít, loại đất tốt hay đất xấu và chất lượng của phân bón, phân bón chất lượng tốt thì bón ít, phân có hàm lượng dinh dưỡng thấp thì bón nhiều. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay Chat Facebook Chat Zalo Gửi Email